Scratch là một dự án của nhóm Lifelong Kindergarten tại MIT Media Lab. Được cung cấp miễn phí, người dùng không cần chi trả bất cứ chi phí nào khác.
Với Scratch, bạn có thể lập trình để tạo nên các câu chuyện, sự kiện tiếp nối với nhau liền mạch , những trò chơi thú vị, và có thể là hoạt hình — Một điều thú vị hơn là bạn có thể chia sẻ các tác phẩm của mình với những bạn khác trên cộng đồng mạng của Scratch.
Mục đích chính của dự án là nghiên cứu ra một phương pháp giúp cho trẻ em cũng có thể học lập trình.
Trẻ em cũng có thể học lập trình là một ý tưởng rất có ý nghĩa thực tiễn, tuy nhiên để sáng tạo ra một phương pháp lập trình phù hợp với trình độ và tâm lý lứa tuổi trẻ em thì lại vô cùng khó khăn. Không phải nhà khoa học máy tính nào cũng có thể làm được.
Những khái niệm khoa học kỹ thuật khó hiểu, những quy tắc luật lệ chằng chịt, những suy nghĩ liên miên mệt mỏi trong những ngôn ngữ lập trình kiểu dòng lệnh phổ biến như Pascal, C, C++, Java, PHP, …chính là rào cản đối với sự tiếp cận lập trình cho trẻ em.
Tuy nhiên, đối với Scratch thì khác! Ngôn ngữ lập trình Scratch phát triển theo hướng tương tác trực quan, đồ họa sống động, sản phẩm liền tay mà vẫn đảm bảo tính khoa học, tính liên thông tri thức sau này.
Đối với những người mới bắt đầu học các ngôn ngữ lập trình như Pascal, C, PHP,...sẽ rất khó hiểu với việc sử dụng Biến, Hàm, Thủ tục, Danh sách và các Điều kiện, Vòng lặp,...nhưng khi sử dụng Scratch thì những khái niệm đó trở nên trực quan, dễ hiểu và dễ vận dụng trong các tình huống cụ thể.
Với đặc điểm dễ học, dễ sử dụng và hiệu quả như vậy, Scratch được xem như là một ngôn ngữ nền tảng trước khi học các ngôn ngữ khác. Và vì thế, đến nay đã có hàng triệu dự án được chia sẻ trên trang chủ của nhà thiết kế. Rất nhiều trường học trên khắp thế giới, từ trường Tiểu học đến Đại học đã sử dụng Scratch như một môn học chính thức. Quý vị có thể đọc hiểu Tiếng anh tại địa chỉ: http://scratch.mit.edu hoặc http://scratched.gse.harvard.edu.
Và dưới đây là giao diện phần mềm Scratch phiên bản 2.0
Nói tóm lại:
Theo chính tác giả Scratch, ông giáo sư Mitchel Resnick đã chia sẻ như sau:
"Khi học lập trình Scratch, trẻ em học được những nguyên lý cơ bản của việc thiết kế, học được cách thử nghiệm ý tưởng mới, học được cách phân chia ý tưởng phức tạp thành những phần việc đơn giản, học được cách hợp tác với người khác để thực hiện dự án, học được cách tìm và sửa lỗi khi kết quả không được như ý, tập được tính kiên trì khi đối mặt với khó khăn. Ngày nay, đó không chỉ là những kỹ năng cần thiết cho việc lập trình, mà còn cần thiết cho nhiều hoạt động khác."