Khi mới làm quen với phần mềm Scratch, chúng ta có thể chia giao diện Scratch thành 10 khu vực khác nhau để dễ dàng khai thác và sử dụng, trong đó có 8 khu vực được ghi chú trên hình số 1 và 2 khu vực ẩn là Costumes (hình số 2) và Sound (hình số 3). Mỗi khu vực có những nhiệm vụ và chức năng riêng. Trong bài viết này, chúng ta sẽ điểm danh bằng cách gọi tên mỗi khu vực đó, còn tìm hiểu kỹ hơn về mỗi khu vực thì chúng ta sẽ đọc ở các bài viết tiếp theo.
Hình số 1 - Cấu tạo giao diện Scratch 2.0
1- Menu Bar - Thanh thực đơn Scratch
Cũng giống như các phần mềm phổ thông khác, thanh thực đơn Scratch có chức năng giúp người dùng cá nhân hóa một số tính năng của phần mềm. Ví dụ: Muốn thay đổi ngôn ngữ Tiếng Việt thì sử dụng biểu tượng quả địa cầu (language), muốn Lưu hoặc Mở một tập tin thì vào thẻ File chọn Save/Open, muốn thay đổi kích thước sân khấu thì dùng Small stage layout trong thẻ Edit, ...
2- Stage - Sân khấu Scratch
Stage là khu vực sân khấu hiển thị kết quả đầu ra trong khi lập trình. Stage cũng là nơi duy nhất giúp người dùng tương tác với sản phẩm do chúng ta tạo ra. Sân khấu là nơi biểu diễn của các đối tượng, hiển thị các loại ảnh nền khác nhau, hiển thị các hiệu ứng đồ họa, ...
3- Block - Khối lệnh scratch
Khu vực quản lý khối lệnh, tất cả khối lệnh trong Scratch được lưu trữ, phân loại vào trong các thư mục khác nhau mà chúng ta sẽ gọi là nhóm lệnh, mỗi nhóm lệnh được gắn với một màu sắc riêng giúp người dùng dễ nhận biết và gây ấn tượng, ...
4- Script - Kịch bản Scratch
Khu vực xây dựng các kịch bản (Script) là khu vực dùng để lắp ghép (lập trình) các khối lệnh khác nhau thành một kịch bản có ý nghĩa nhằm điều khiển các đối tượng trên sân khấu.
5- Backdrop/Background - Ảnh nền, phông nền Scratch
Backdrop là khu vực quản lý, chỉnh sửa, thêm mới các ảnh nền hiển thị trên sân khấu (stage). Lưu ý: Đối với Backdrop chúng ta cũng có thể xây dựng những kịch bản riêng cho nó.
6- Sprites - Đối tượng Scratch (nhân vật)
Khu vực quản lý đối tượng, mỗi dự án sẽ có ít nhất một đối tượng, các đối tượng được quản lý trong khu vực này. Các icon nhỏ giúp xử lý đối tượng (sprite).
7- Tips - Hướng dẫn, trợ giúp
Tips (help) là một khu vực ẩn, nó chỉ xuất hiện khi người dùng Click vào. Khu vực này có chức năng trợ giúp người dùng trong quá trình sử dụng Scratch.
8- ToolBar - Thanh công cụ
Các công cụ dùng tác động vào đối tượng hoặc khối lệnh như sao chép, phóng to, thu nhỏ, xóa đối tượng và trợ giúp nhanh
9- Costumes/Frames: Khu vực quản lý và xử lý các hình dạng của đối tượng
Khu vực này chỉ được hiển thị khi chúng ta chọn vào thẻ Costumes. Trong khu vực này, nhà thiết kế Scratch đã tích hợp sẵn một công cụ xử lý đồ họa giúp người dùng có thể chỉnh sửa ảnh với một vài thao tác đơn giản, ...
Hình số 2 - Khu vực xử lý hình dạng của đối tượng
10- Sound: Khu vực quản lý và xử lý các file âm thanh Scratch
Khu vực này giúp người dùng quản lý và xử lý các file âm thanh được tích hợp vào trong các dự án khi thiết kế. Chúng ta nhìn thấy giao diện rất đơn giản nhưng nó chứa đủ tính năng cần thiết khi chúng ta muốn xử lý một file âm thanh. VD: cắt, ghép, copy, bóp méo, ...
Hình số 3 - Khu vực xử lý âm thanh trong Scratch